Trang chủ > Thông tin Đại sứ quán
Hạn hán, thách thức chung của lưu vực Lan Thương - Mê Công
Tiến sĩ Liu Hui, Viện Nghiên cứu Thủy lợi và Thủy điện Trung Quốc
2019-08-02 20:04
 

Hạn hán, chỉ sau lũ lụt và dông bão, là một trong những thiên tai gây thiệt hại nặng nề nhất trên Trái Đất. Theo số liệu công bố trên trang web International Disaster Database, trong năm 2018, 16% dân số chịu ảnh hưởng từ thiên tai hạn hán. Suốt vài thập kỷ qua, các nước thuộc lưu vực Lan Thương - Mê Công đã phải hứng chịu nhiều đợt hạn hán ở các mức độ khác nhau, chịu thiệt hại nặng nề về nông nghiệp, chăn nuôi thủy sản, sản xuất cũng như đời sống con người.

Lưu vực Lan Thương - Mê Công đang phải đối diện với nguy cơ nóng lên toàn cầu như nhiều khu vực khác trên thế giới. Số liệu nhiệt độ bề mặt trái đất toàn cầu ghi lại từ tháng Một đến tháng Ba năm 2019 cho thấy, 2019 là năm nóng thứ ba trong suốt 170 năm qua. Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cũng đưa tin tháng Sáu năm nay là tháng Sáu nóng nhất lịch sử từng được ghi lại. Nhiệt độ chênh lệch so với mức bình quân lịch sử năm 2019 của lưu vực Lan Thương - Mê Công là 1 độ C. Khi nhiệt độ cao đi kèm với hiện tượng El Nino tăng mạnh hoặc gặp phải gió mùa Tây Nam yếu, khu vực này sẽ rơi vào tình trạng hạn hán khắc nghiệt kéo dài, như trận hạn hán lịch sử năm 2016 hay đợt hạn hán kéo dài và rộng rãi năm nay. Số liệu quan trắc khí tượng từ tháng Một đến giữa tháng Bảy năm 2019 cho thấy, lượng mưa trên lưu vực sông Lan Thương thấp hơn 42% so với cùng kỳ. Ban Thư ký Ủy hội Sông Mê Công (MRCS) cũng đã đề cập đến vấn đề lượng mưa đầu mùa mưa thấp bất thường trong Báo cáo hàng tuần về tình hình lũ lụt từ tháng Sáu.

Theo chỉ số hạn hán sáu tháng đầu năm 2019 do SPEI (trang web Hệ thống đo lường lượng mưa bốc hơi tiêu chuẩn) đưa ra thì hạn hán đang xuất hiện trên toàn bộ lưu vực Lan Thương - Mê Công. Riêng ở lưu vực sông Lan Thương, hạn hán nghiêm trọng hơn vào từ tháng Ba và đạt mức khắc nghiệt vào tháng Năm. Ở khu vực trung du sông Mê Công (chảy qua lãnh thổ Thái Lan, một phần lãnh thổ Lào và Cam - pu - chia), tình trạng hạn hán ở mức vừa đến gần khắc nghiệt suốt từ đầu năm nay. Còn đối với khu vực vùng châu thổ Sông Mê Công, hạn hán xuất hiện vào khoảng tháng Hai đến tháng Tư, kết thúc vào tháng Năm.

Các đập nước trên dòng chính sông Lan Thương dự trữ một phần nước mưa trong mùa mưa 2018, xả nước dự trữ cho sông Mê Công trong sáu tháng đầu năm 2019, và mực nước dự trữ này đã giảm xuống mức báo động vào đầu tháng Bảy. Xét đến khả năng cạn kiệt "nguồn bổ sung", thủy điện Cảnh Hồng đã quyết định thực hiện điều chỉnh định kỳ trong khoảng thời gian từ 5-19/7, quãng thời gian mà dòng chảy hợp lý có thể được duy trì. Thông báo điều chỉnh này đã được Bộ Thủy lợi Trung Quốc gửi tới các nước thuộc lưu vực và Ban Thư ký Ủy hội Sông Mê Công vào ngày 3/7. Ban Thư ký Ủy hội Sông Mê Công cũng ngay lập tức đăng bài lên trang web của mình trong ngày 3/7, với tiêu đề "Lượng nước từ thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) biến động, nhưng không có tác động gì lớn".

Gần đây, tin tức về hạn hán năm nay ngày càng được phủ sóng rộng rãi, thu hút được nhiều sự quan tâm từ những người nông dân đến quan chức cấp cao của Chính phủ. Tờ Cambodia Daily số ngày 20/7/2019 đưa tin, hạn hán mở rộng ở Cam-pu-chia đã khiến phụ lưu hồ Tonle Sap cạn kiệt, tàn phá nặng nề đến cuộc sống của nông dân và ngư dân tỉnh Battambang. Người dân khu vực này không thể đánh bắt cá từ tháng Tư do hạn hán, giờ họ đang cạn kiệt dần thức ăn, phải cầu xin sự cứu trợ khẩn cấp từ Chính phủ. Tình trạng hạn hán ở Thái Lan đã nghiêm trọng đến mức Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha phải yêu cầu Trung Quốc, Lào và My-an-ma xả thêm nước vào sông để giảm thiểu tình trạng hạn hán trong bài phát biểu đăng trên Bangkok Post số 24/7/2019.

Với nhiều năm kinh nghiệm quan sát, nghiên cứu tình trạng hạn hán ở lưu vực Lan Thương - Mê Công, tôi xin mượn dịp này để chia sẻ những phát hiện và đề xuất của mình đến các bên liên quan và những người đưa ra quyết sách, với mục đích tăng cường khả năng hỗ trợ cứu trợ hạn hán, để cùng dựng xây một lưu vực Lan Thương - Mê Công an toàn hơn.

 

Phát hiện

(1) Kết quả phân tích hạn hán khí tượng cho thấy mức độ khắc nghiệt của hạn hán ở khu vực Đông Bắc Thái Lan, đa phần Cam-pu-chia và My-an-ma đã tăng lên trong nửa thế kỷ qua, đặc biệt là ở một số khu vực thuộc Đông Bắc Thái Lan. Tần số hạn hán khí tượng ở phần lớn lưu vực sông rơi vào mức 25% do lượng mưa thấp, đặc biệt là ở Đông Bắc Thái Lan và Cam-pu-chia. Vùng châu thổ Cam-pu-chia và Việt Nam nằm ở hạ nguồn càng dễ gánh chịu hạn hán nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Sau khi phân tích nguyên nhân của các đợt hạn hán điển hình, ta có thể nhận ra rằng nguyên nhân chính dẫn đến hạn hán ở lưu vực sông Mê Công là do lượng mưa cực kỳ thấp (so với lịch sử cùng kỳ các năm) gây ra bởi hiện tượng El Nino và sự vận hành bất thường của hệ thống hoàn lưu khí quyển - đại dương.

(2) Sự khác biệt giữa năng lực hỗ trợ kinh tế và sự triển khai các dự án bảo vệ tài nguyên nước khiến khả năng chống hạn của các quốc gia hoàn toàn khác nhau. Trong đó, tồn tại sự phân bố mất cân bằng của khu vực tưới tiêu ở Cam-pu-chia và sự khác biệt trong năng lực kháng hạn của các khu vực. Các dự án tưới tiêu và khu vực tưới tiêu của Lào tương đối nhỏ, năng lực kháng hạn của nước này còn hợi bị yếu kém. Việt Nam và Thái Lan đều đã xây dựng được hệ thống tưới tiêu và các dự án tưới tiêu quy mô lớn, mật độ cao. Những dự án này được kỳ vọng sẽ đảm bảo kỹ thuật tốt hơn để phát triển năng lực kháng hạn.

Đề xuất

(1) Khai thác tiềm năng và tăng cường năng lực đối phó với thiên tai của các quốc gia.

Các quốc gia tại lưu vực sông Mê Công đã thiết lập hệ thống tổ chức phòng chống và giảm thiểu thiên tai để đối phó với thiên tai hạn hán. Mặc dù có một mối tương quan đáng kể giữa khả năng cứu trợ hạn hán quốc gia và trình độ phát triển kinh tế, xã hội, tuy nhiên sự đồng thuận của toàn lưu vực trong việc cải thiện các biện pháp mang tính cấu trúc cứu trợ hạn hán cũng đóng vai trò rất quan trọng.

Xét trên khía cạnh kỹ thuật vận hành, mặc dù các nước như Thái Lan và Việt Nam đã áp dụng các biện pháp đầy đủ để chống hạn hán, tuy nhiên việc tăng cường xây dựng công trình cứu trợ hạn hán để đối phó với hạn hán nghiêm trọng vẫn là rất cần thiết.

(2) Lập kế hoạch tổng thể và phối hợp tăng cường khả năng giảm thiểu thiên tai trên toàn lưu vực.

Mặc dù các hồ chứa trên hạ du sông Lan Thương đóng vai trò điều tiết nguồn nước bằng dự trữ và giải phóng lượng nước lớn hơn khoảng 140% so với lượng nước tự nhiên trong năm nay đến sông Mê Kông từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2019, nhưng tình trạng mực nước tại các trạm thủy văn hạ du sông Mê Công vẫn xuống thấp. Đó là do trên thực tế, lượng nước từ sông Lan Thương đổ về sông Mê Công chỉ chiếm khoảng 20% tổng lượng nước sông Mê Công trong mùa khô và 11% trong mùa mưa. Khi tình trạng hạn hán toàn lưu vực diễn ra, thì cũng là lúc cần cân nhắc áp dụng các biện pháp nhiều hơn trên quy mô toàn lưu vực. Các phụ lưu của sông Mê Công nên đóng vai trò quan trọng hơn trong việc điều tiết và dự trữ nguồn nước. Bên cạnh đó, các hồ chứa nước được xây dựng tại lưu vực sông Mê Công có sức chứa hơn 20 tỷ mét khối nước. Vai trò tích cực của các hồ chứa này trong việc hỗ trợ hạn hán tại các quốc gia và toàn lưu vực cần phải được nghiên cứu sâu hơn nữa, cũng như cần đi sâu phân tích các dự án cứu trợ hạn hán có tác động như thế nào đối với tình trạng lũ lụt tại các quốc gia hoặc khu vực hạ du trong khi các dự án này giảm bớt thiệt hại do thiên tai và tạo nền móng cho sự phối hợp tổng thể của cả lưu vực.

(3) Tận dụng triệt để các cơ chế hợp tác khu vực để nâng cao trình độ hợp tác toàn lưu vực

Trong số các cơ chế hợp tác khu vực Lan Thương Mê Công (Ủy hội sông Mê Công(MRC), Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng(GMS), Chương trình hợp tác Tứ giác vàng Trung Quốc- Lào- Myanmar- Thái Lan), Cơ chế hợp tác Lan Thương- Mê Công (LMC) được thành lập vào năm 2016 với 6 quốc gia lưu vực này đã tạo một diễn đàn mới nhằm đối thoại và hợp tác của toàn lưu vực. Theo cơ chế này, tài nguyên nước là một trong năm lĩnh vực hợp tác trọng điểm. Tiểu ban công tác tài nguyên nước bao gồm đại diện các cơ quan chủ quản lĩnh vực này tại 6 nước thành viên thuộc cơ chế LMC và Trung tâm Hợp tác tài nguyên nước Lan Thương- Mê Công được thành lập tại Bắc Kinh đã đánh dấu cho sự ra đời của cơ chế Hợp tác tài nguyên nước Lan Thương- Mê Công vào năm 2017. Đề nghị các nội dung hợp tác chính trong cơ chế này có thể bao gồm: tăng cường chia sẻ thông tin và tham vấn các biện pháp đối phó thông qua tiểu ban công tác tài nguyên nước thuộc LMC, nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu và các biện pháp ứng phó tại lưu vực sông Lan Thương- Mê Công, và nghiên cứu biện pháp liên kết điều hành hồ chứa trong toàn lưu vực, phát huy cao độ khả năng điều tiết để đối phó thiên tai.

Suggest To A Friend:   
Print